5️⃣ NĂM ĐỊA VỊ (ngũ vị) ☸️
Quá trình tu tập của tiểu thừa cũng như đại thừa, từ lúc phát tâm tu hành cho đến khi đạt được quả vị tối thượng, đều trải qua năm địa vị:
A. Năm địa vị của tiểu thừa: ☀️
1. Địa vị Tư-lương: cũng tức là địa vị Ba-hiền (xin xem lại mục “Ba-hiền” ở trước). Chữ “tư” nghĩa là trợ giúp; chữ “lương” nghĩa là lương thực. Như người đi xa cần có lương thực bên mình để tự nuôi thân, người tu hành cũng cần phải có lương thực để nuôi lớn huệ mạng; lương thực ở đây là phước đức và trí tuệ. Tư lương chính là vốn liếng để đi đến bồ đề niết bàn; vốn liếng ở đây là tất cả mọi pháp lành. Có bốn loại tư lương: 1) Tư lương phước đức: Tu tập các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, v.v… 2) Tư lương trí tuệ: Tu tập quán chiếu để phát huy trí tuệ bát nhã. 3) Tư lương đời trước: Tất cả những nghiệp lànhđã tu tập trong đời quá khứ. 4) Tư lương đời này: Tất cả các nghiệp lành đang tu tập trong đời hiện tại.
2. Địa vị Gia-hạnh: cũng tức là địa vị Bốn-thiện-căn (xin xem lại mục “Bốn Thiện Căn” ở trước).
3. Địa vị Kiến-đạo: tức quả Dự-lưu, hay nói chính xác hơn, đó là bước đầu của quả Dự-lưu, gọi là Dự-lưu-hướng. Kiến-đạo là một địa vị trong quá trình tu tập của hàng tiểu thừa. Dùng trí tuệ vô lậu quán chiếu thấy rõ nguyên lí bốn sự thật, gọi là “kiến đạo”. Hành giả, sau khi tu tập hoàn mãn địa vị Ba-hiền, rồi địa vị Bốn-gia-hạnh, thì trí vô lậu phát sinh, vượt khỏi địa vị phàm phu, tiến lên địa vị Kiến-đạo. Vậy, Kiến-đạo là bước đầu tiên trên con đường thánh nhân. Các phiền não cần đoạn trừ để đạt được địa vị Kiến-đạo, gọi là “kiến hoặc”.
4. Địa vị Tu-đạo: tức là hai quả Nhất-lai và Bất-hoàn, hay nói chính xác hơn, đó là địa vị bao gồm các hạng Dự-lưu-quả, Nhất-lai-hướng, Nhất-lai-quả, Bất-hoàn-hướng, Bất-hoàn-quả, và A-la-hán-hướng. Địa vị này hoàn toàn đoạn dứt phần “tư hoặc cõi Dục”.
5. Địa vị Vô-học: tức là quả A-la-hán, hay nói chính xác hơn, đó là hạng A-la-hán-quả. “Vô học” là đối lại với “hữu học”. Hành giả đã thông đạt cùng cực chân lí, không còn pháp nào để học nữa; đã đoạn trừ hết các kiến, tư hoặc trong ba cõi, không còn thứ mê hoặc nào để đoạn trừ nữa; cho nên gọi là bậc Vô-học.
GHI CHÚ: Từ “Vô-học” trong kinh luận thường được dùng để chỉ cho quả vị A-la-hán của Thanh-văn thừa, hay quả vị Bích-chi Phật của Duyên-giác thừa, hoặc quả vị Diệu-giác (Phật) của Bồ-tát thừa.
B. Năm địa vị của đại thừa: ☀️
1. Địa vị Tư-lương: (Xin xem ý nghĩa từ “tư lương” vừa trình bày ở trên.) Địa vị đầu tiên trên quá trình tu tập của Bồ-tát thừa cũng có tên là Tư-lương, tức “Tư-lương vị”. Địa vị này, từ thấp lên cao, gồm có 4 cấp: Mười-tín (10 bậc Tín), Mười-trụ (10 bậc Trụ), Mười-hạnh (10 bậc Hạnh), và Mười-hồi-hướng (10 bậc Hồi-hướng) (*). Hành giả ở địa vị này, trải qua bốn mươi bậc, tu tập mọi pháp lành để tích tụ phước đức và phát triển trí tuệ, chuẩn bị hành trang trên đường đi đến quả vị vô thượng bồ đề. – Xin nói thêm: Mười bậc Tín (tức cấp Mười-tín) vốn được chia nhỏ ra từ bậc Phát-tâm-trụ, là bậc đầu tiên của cấp Mười-trụ. Vì vậy, nếu thu mười bậc Tín ấy vào lại trong bậc Phát-tâm-trụ, thì 4 cấp thuộc địa vị Tư-lương chỉ còn 3 cấp Mười-trụ, Mười-hạnh và Mười-hồi-hướng. Ba cấp này, nếu được gộp chung lại thì gọi là địa vị Ba-hiền. Do đó, địa vị Tư-lương cũng tức là địa vị Ba-hiền.
2. Địa vị Gia-hạnh: Sau khi hoàn mãn địa vị Tư-lương, hành giả cần gia công tu tập, trải qua thêm bốn bậc Noãn, Đảnh, Nhẫn, và Thế-đệ-nhất, (**) phát sinh trí vô lậu, gọi là địa vị Gia-hạnh (cũng tức là địa vị Bốn-gia-hạnh). Từ địa vị này, hành giả tiến vào bậc Sơ-địa Bồ-tát.
3. Địa vị Thông-đạt (cũng gọi là địa vị Kiến-đạo): Đây là địa vị thứ ba trên quá trình tu tập của Bồ-tát thừa. Hành giả, sau khi đã trải qua một a tăng kì kiếp tu tập hoàn mãn địa vị Tư-lương, rồi địa vị Bốn-gia-hạnh, thì trí vô lậu phát sinh, thể hội thể tánh chân như bình đẳng, thấy được lí trung đạo, vượt khỏi địa vị phàm phu, bước lên bậc Sơ-địa Bồ-tát – nói chính xác hơn là giai đoạn “nhập tâm” (***) của Sơ-địa Bồ-tát.
4. Địa vị Tu-tập: là địa vị của hành giả đại thừa từ giai đoạn “trụ tâm” (xin xem chú thích (***) ở dưới) của bậc Sơ-địa cho đến bậc Đẳng-giác Bồ-tát. Ở địa vị này, dù đã chứng đắc lí thể chân như, hành giả cũng vẫn tiếp tục tinh cần đoạn trừ hoặc chướng, chuyên tâm tu tập để phát huy căn bản trí – cho nên cũng gọi là địa vị Tu-đạo.
5. Địa vị Cứu-cánh: tức địa vị Diệu-giác, cũng tức là quả vị Phật-đà. Bồ-tát tu tập tiến đến địa vị Đẳng giác, về trình độ giác ngộ thì tương đồng với Phật, nhưng trên thực tế tu hành thì vẫn còn vướng một phẩm vô minh vi tế. Thánh giả đã trải qua 2 a- tăng-kì kiếp để tu tập hoàn mãn địa vị Tu-tập, khi vừa đoạn trừ tuyệt sạch phẩm vô minh vi tế cuối cùng này thì hạnh giác ngộ hoàn toàn viên mãn, trí tuệ viên diệu, cùng cực thanh tịnh, không còn gì hơn nữa, cho nên gọi là “Cứu-cánh”, trở thành một đức Phật. Vậy, Diệu-giác chỉ là một tên gọi khác của Phật; và đó là địa vị rốt ráo, nấc thang tột cùng của tiến trình tu hạnh Bồ-tát. 🙏
(*) Xin xem các mục “Mười Tín”, “Mười Trụ”, “Mười Hạnh”, “Mười Hồi Hướng” ở Pháp số 10.
(**) Xin xem lại mục “Bốn Thiện Căn” ở Pháp số 4.
(***) Từ bậc Sơ-địa cho đến bậc Thập-địa Bồ-tát, mỗi địa đều gồm 3 giai đoạn, gọi là “ba tâm”: – Giai đoạn đầu, “nhập tâm”: mới bước vào, chưa an trụ; – Giai đoạn giữa, “trụ tâm”: thời gian an trụ ở địa đó; – Giai đoạn chót, “xuất tâm”: thời gian cuối cùng, lúc sắp ra khỏi địa đó đề bước lên địa bên trên.
- Thế nào là Phát Tâm Tà và Chánh ❓ - 4. Dezember 2024
- Thế nào là Tâm Phát, Tâm Nguyện ❓ - 27. November 2024
- Nếu quên mất Tâm Bồ đề ❓❗️ - 20. November 2024