💥 Đại ý của 4 Thừa 💥
Chữ Phật còn thuộc giả danh, huống là bốn thừa ư!
Nhưng đức Phật đại bi cứu thế, phương tiện độ sanh, vì tùy căn cơ sâu cạn của chúng sanh nên giả thiết đủ thứ ngôn giáo pháp môn dùng để tu tập, theo thời ứng cơ, tùy nghi lập giáo, như lương y trị bệnh, tùy bệnh cho thuốc, nên có những thí dụ như xe dê, xe nai, xe trâu (tam thừa) và hóa thành (nửa đường), Bửu sở (quả Phật)… Khổ tâm ấy thật là chiếu sáng muôn đời. ☀️
Tất cả pháp có thể nói ra đều thuộc về tương đối; pháp tương đối phải tùy theo không gian và thời gian mà biến đổi, vốn chẳng thật thể. 💎
Nên đức Phật thuyết pháp vừa thuyết liền phá, ban sơ Phật đã từng vì chúng sanh thuyết diệu lý của Chơn như Pháp thân, ý chỉ huyền ảo vi diệu, chúng đều bỏ đi, rồi trở lại thuyết pháp môn Tiểu thừa, người nghe mới tin được.
Đến khi đồ chúng tu Tiểu thừa đã quen thuộc, ham thích Thiền vị, chỉ tự độ thân mình, Phật lại quở rằng: “Đây vẫn chưa cứu cánh, chưa lìa hẳn sanh tử, nên tu Trung thừa”.
Đồ chúng mới chuyển tu Trung thừa, đạt nơi ngã, pháp đều Không.
Phật lại quở rằng: “Đây vẫn chưa cứu cánh, tập khí từ vô thỉ chưa sạch, cũng còn biến dịch sanh tử, nên tu Đại thừa”.
Từ đó chúng mới chuyên tu pháp Đại thừa, đến khi căn cơ thuần thục, Phật mới trực thị pháp Tối thượng thừa, kẻ tu hoát nhiên đại ngộ, thấu triệt bản tâm chẳng sanh chẳng diệt, chẳng biến chẳng khác, sẵn sàng viên mãn, chẳng do tạo tác, mới biết phi tâm, phi Phật, phi vật, cuối cùng chẳng có pháp nào để đắc, nói “Pháp môn” chỉ là nói suông, nói “bốn thừa” đều là hý luận, khi ấy mới tin Phật nói “Chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp một chữ” là chẳng phải cố ý bày đặt sự huyền bí.
🔊 Nay lược thuật cảnh giới bốn thừa như sau:
🔴 TIỂU THỪA: 🔴 Cũng gọi là Thanh văn thừa, do nghe thanh giáo của Phật mà ngộ lý Tứ Đế, đoạn dứt Kiến hoặc, Tư hoặc, chứng nhập Niết bàn Tiểu thừa, ấy là lối tu hạ căn trong đạo Phật.
Kinh Thắng Man Bửu Quật rằng: “Hai chữ Thanh văn là kẻ hạ căn theo giáo lập tên, thanh tức là Giáo vậy”.
🔊 Pháp môn Tứ Đế của thừa Thanh văn sở tu tức là khổ, tập, diệt, đạo.
Khổ là cái quả của thọ báo, tập là cái nhân chiêu quả, diệt là đắc quả tịch diệt, đạo là lối tu để đoạn trừ cái nhân chiêu quả.
Nói một cách khác, tu theo Tứ Đế tức là biết Khổ đoạn Tập, mộ Diệt tu Đạo; Đế là ý nghĩa xác thật. Cách tu của họ là đoạn dứt công dụng của lục căn, lắng tâm tĩnh lự, cho đến chỉ còn một chút niệm trong sạch, ấy là cảnh giới của Tiểu thừa đạt đến, quả cùng tột gọi là A la hán.
Động cơ của người tu Tiểu thừa là nhàm chán phiền não sanh tử mà cầu thanh tịnh Tịch diệt, cho rằng trong linh tánh vốn chẳng có phiền não, tất cả khổ đều do lục căn chiêu tập mới có, nên muốn được sự vui thanh tịnh tịch diệt chỉ có tu đạo làm cho công dụng của lục căn dừng lại, chẳng sanh tác dụng chiêu tập, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, mũi chẳng ngửi, lưỡi chẳng nếm, thân chẳng xúc, ý chẳng tưởng, công dụng của lục căn đã dứt sạch, sáu cửa đã đóng kín, trong linh tánh chỉ còn một niệm thanh tịnh, tịch tịnh an lạc, ấy là đạo quả sở chứng của Tiểu thừa.
Nhưng lục căn dù tạm dứt, mà một niệm thanh tịnh chưa được buông bỏ, ắt chẳng phải cứu cánh.
🟢 TRUNG THỪA: 🟢 cũng gọi là Duyên giác thừa, do quán nhân duyên mà ngộ đạo. Xưa nay xưng Bích chi phật, dịch nghĩa là Độc giác.
🔊 Pháp môn của Trung thừa là Thập Nhị Nhân Duyên, tức vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Thập nhị chi (mười hai nhánh) này bao gồm quá khứ, hiện tại, vị lai, tam thế nhân quả tuần hoàn chẳng dừng.
Ở đây Vô minh là nhất niệm vô minh, cũng gọi là tánh nhất niệm vọng động, chẳng phải vô thỉ vô minh, vì bất giác khởi niệm, bèn sanh ra đủ thứ phiền não, tạo đủ thứ thiện ác nghiệp, gọi là Hành, hai chi này là nhân đời trước.
Thức là nghiệp thức như thân trung ấm bị lôi kéo mà đến đầu thai; Danh sắc là lúc ở trong thai sắc thân chưa thành, tứ ấm Thọ, Tưởng, Hành, Thức chỉ có tên gọi, chưa có thật chất; Lục nhập là nói ở trong thai lục căn đã hoàn thành, là chỗ sở nhập của lục trần; Xúc là sau khi sanh ra, lục căn tiếp xúc lục trần; Thọ là lãnh thọ các cảnh giới thuận nghịch, năm chi này là quả đang thọ ở đời này. Ái là đối với cảnh trần có sở ái; Thủ là chấp thủ việc mình ham muốn; Hữu là có quyền sở hữu, cho mình được tùy ý chi phối, ba chi này là nhân sở đắc của đời này, đời này tạo nghiệp nhân thì đời sau báo ứng nghiệp quả. Sanh là tùy theo sự gieo nghiệp nhân thành chủng tử để thọ sanh nơi kiếp sau. Lão tử là kiếp sau đã có sanh, ắt phải có lão tử, hai chi này là quả báo phải thọ ở đời sau. Ấy là đại khái của Thập Nhị Nhân Duyên.
Kẻ tu pháp Trung thừa quán xét chúng sanh trong tam thế đều bị Thập Nhị Nhân Duyên chi phối, mà Thập Nhị Nhân Duyên thì nương nhất niệm vô sanh khởi, cho rằng Tiểu thừa chưa thể phá nhất niệm này, nên chưa đạt cứu cánh, nếu được đoạn dứt nhất niệm này thì vượt ra ngoài tam thế, liễu thoát sanh tử.
Nên cách dụng công của họ là muốn quét sạch nhất niệm vô minh, đạt đến cảnh giới mênh mông trống rỗng chẳng có gì cả, tự cho đã chứng Niết bàn, chẳng biết đã lọt vào vô thỉ vô minh.
Cảnh giới trống rỗng chẳng có chi cả, cũng gọi là “Không chấp”, linh tánh ám muội, chẳng khác gì gỗ đá!
Huống chi nhất niệm vô minh dù tạm dừng, nếu bị kích thích vẫn có thể nổi lại, nên sở chứng của Trung thừa vẫn chưa cứu cánh.
🟣 ĐẠI THỪA: 🟣 Cũng gọi là Bồ tát thừa, pháp sở tu là sáu Ba la mật, cũng gọi là Lục độ.
🔊 Sáu Ba la mật là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền na, Bát nhã.
Người tu Đại thừa gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, Bồ đề dịch là Giác, Tát đỏa dịch là Hữu tình.
Ý là giác ngộ chúng sanh hữu tình, gọi tắt là Bồ tát, tức là chúng sanh phát đại tâm Bồ đề, lấy tâm Bồ đề làm thể để tự độ; lấy tâm Đại bi làm dụng để độ tha, tự tha kiêm lợi, nên xưng Đại thừa.
Phẩm Thí Dụ trong kinh Pháp Hoa rằng: “Nếu có chúng sanh nơi Phật Thế Tôn nghe pháp tín thọ, tinh tấn tu hành, cầu Nhất thiết trí, Phật trí, Tự nhiên trí, vô sư trí, Vô sở úy, dùng sức tri kiến của Như lai thương xót vô lượng chúng sanh, độ thoát tất cả trời, người đều được lợi ích an lạc, ấy gọi là Đại thừa.
Lục độ bao gồm tam học Giới, Định, Huệ, mà lấy pháp Thiền na làm chủ yếu để dụng công, người tu Đại thừa biết nhất niệm vô minh chẳng thể phá, nên lợi dụng nhất niệm vô minh để phá tan vô thỉ vô minh mà được kiến tánh, ấy là phương pháp dùng tướng cướp (nhất niệm vô minh) để bắt vua cướp (vô thỉ vô minh) vậy.
🟡 TỐI THƯỢNG THỪA: 🟡 Cũng gọi là Phật thừa, khi đã minh tâm kiến tánh, hiển hiện Phật tánh chơn như, phát huy diệu lý tuyệt đối, chỉ có kẻ chứng với kẻ chứng mới biết nhau được.
🔊 Nên Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp mỉm cười; Ca Diếp giơ tay, A Nan hiệp chưởng, dùng tâm ấn tâm, khế hợp ăn khớp, trình bày trước mắt, chẳng nhờ ngôn thuyết, là pháp tối cao cùng tột, chẳng còn gì hơn nữa, ấy gọi là Tối thượng thừa thiền.
🔔 Tiểu thừa đoạn lục căn, Trung thừa đoạn nhất niệm vô minh, Đại thừa đoạn vô thỉ vô minh, Tối thượng thừa trực chỉ Chơn như Phật tánh, đây là đại ý của bốn thừa. 🔔
Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Pháp chẳng bốn thừa, do tâm người tự có sai biệt mà hình thành; thấy, nghe, đọc, tụng là Tiểu thừa; hiểu nghĩa ngộ pháp là Trung thừa; y pháp tu hành là Đại thừa; vạn pháp đều thông, vạn pháp sẵn sàng, tất cả chẳng nhiễm, lìa chư pháp tướng, trọn vô sở đắc, gọi là Tối thượng thừa”.
Thế thì, đại ý của bốn thừa đã rõ ràng. 💯
Triệu Châu hòa thượng nói: “Ta Chẳng thích nghe một chữ Phật”, còn nói: “Hễ lão Tăng niệm Phật một tiếng thì phải súc miệng ba ngày”.
Nếu thấu rõ lời này thì chẳng bị bốn thừa trói buộc. 🙏
Trích từ: https://thuvienhoasen.org/a9954/y-chi-giao-ngoai-biet-truyen
- XIV. Phẩm Phật Đà – Buddhavagga – ☀️ Kinh Pháp Cú số 184 ☀️ - 4. September 2024
- ☸️ XIV. Phẩm Phật Đà – Kinh Pháp Cú số 183 ☸️ - 28. August 2024
- 💝 Vô Tâm là gì ? - 21. August 2024