Sau 49 ngày toạ thiền dưới cội Bồ Đề, thì Thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm thành Phật có Danh Hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Trong tiếng Phạn, “Thích Ca” có ý nghĩa là “văn võ song toàn”. “Mâu Ni” là cách gọi tôn kính của người Ấn Độ cổ đại đối với các bậc Thánh nhân, có hàm ý chỉ “người cạo đầu xuất gia đã tu hành thành công”. Cả tên “Thích Ca Mâu Ni” trong tiếng Phạn có ý chỉ “người cạo đầu xuất gia đã tu hành thành công là người tộc Thích Ca”.
Cũng ngay từ đó Ngài sáng lập ra PHẬT GIÁO.
Ngoài ra trên thực tế, trong sự đối đãi của chúng ta trong xã hội hiện thời, chúng sanh trong xã hội thiếu khuyết lòng nhân từ, thiếu lòng yêu thương. Không chỉ chẳng yêu thương người khác, ngay cả chính mình cũng chẳng yêu thương! Vì thế, yêu thương người khác chẳng dễ dàng, phải yêu thương chính mình thì mới có thể yêu thương người khác. Ngay đối với chính mình mà cũng chẳng yêu thương thì làm sao yêu thương người khác?
Vì thế, Phật Giáo trên thế gian này nhằm dạy điều gì? Dạy „ NHÂN TỪ„. Thích Ca nghĩa là nhân từ, dạy dỗ chúng ta đối đãi người khác phải có lòng yêu thương, phải có tâm từ bi, đại từ đại bi đối đãi hết thảy chúng sanh, Ngài dạy điều này. Đấy là nội dung giáo học của Phật pháp.
Mâu Ni nghĩa là gì? Từ “thanh tịnh, bình đẳng, giác” trong tựa đề kinh này, Mâu Ni là „ TỊCH TĨNH„. Mâu Ni là tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, giác chứ không mê; đấy là ý nghĩa của Mâu Ni. (Theo Thầy Tịnh Không)
Vậy chúng sanh nên đền ơn đáp nghĩa, gọi là tri ân Phật bằng cách nào?
Thời đó Đệ tử A Nan hỏi: “Vậy như thế nào mới được coi là cung dưỡng Như Lai một cách chân chính?”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời rằng: “Chỉ có giữ gìn chính Pháp, thực hành chính Pháp, tuân theo giới, theo Pháp mà làm mới là cung dưỡng Như Lai chân chính.”
Khi còn thị hiện dưới cõi Sa Bà, Đức Phật Thích Ca đã giảng thuyết trên 40 năm Giáo Lý Phật Pháp (có khoãng 300 Hội Đàm) cho 9 pháp giới chúng sanh, cùng hưởng thọ đại nhân duyên, thiện căn, phước đức rồi cùng thành Phật Đạo. Tóm lại chúng sanh được biết đến Năm Thời Thuyết Pháp của Đức Phật.
1. Thời kỳ Hoa Nghiêm (Avatamsaka)(21 ngày). – Sau khi mới thành đạo, Đức Phật dùng tuệ nhãn nhìn thấy rõ tâm địa các vị đại Bồ tát và các bậc căn trí thượng thừa đã thuần thục, nên Phật nói kinh Hoa Nghiêm để giáo hóa và điều ngự họ. Trong số đó cũng có những hàng tiểu căn nghe, nhưng lại chẳng hiểu Đức Phật nói gì cả.
2. Thời kỳ A Hàm (Agamas)(12 năm). – Thời kỳ Đức Phật nói kinh “Tứ A Hàm”:
- Dirghàgamsa sutra (Trường A Hàm)
- Madhyamàgamas sutra (Trung A Hàm)
- Ekottarikàgamas sùtra (Tăng Nhất A Hàm)
- Samyaktàgamas sùtra (Tạp A Hàm)
- Khudhana sùtra (Tiểu A Hàm) (Tạp Tạng) thì gọi là “Ngũ A Hàm”.
Bộ kinh này đầu tiên Đức Phật giảng tại vườn hoa Lộc Uyển (Sarnath), nên sau này còn gọi là Thời kỳ Lộc Uyển, vì căn cơ của các hàng Thanh văn còn thấp kém nên Phật nói Pháp “Tứ Diệu Đế” (Catuariyasaca = Khổ, Tập, Diệt, Đạo); diễn giảng trong 4 bộ kinh A Hàm, để giáo huấn các bậc sơ cơ Tiểu Thừa.
3. Thời kỳ Phương Đẳng (Vaipulya)(8 năm). – “Phương Đẳng” có nghĩa là thời kỳ thuyết giáo chung cho hết thảy chúng sinh, gồm 4 giáo TẠNG – THÔNG – BIỆT – VIÊN. Về thời kỳ này, Đức Phật nói kinh Vimalakirti (Duy Ma Cật) để giáo hóa các bậc Tiểu Căn, rằng giáo pháp thuộc Nhị Thừa giáo chưa phải là chỗ rốt ráo, cùng tột, đã vội cho là đủ, tức Phật có ý quở trách để họ tự biết hối mà ham mộ giáo lý Thượng Thừa.
- Tạng Giáo, tức Tam Tạng Thánh Giáo.
- Thông Giáo, tức có nghĩa là Đức Phật thuyết pháp cho mọi hạng người đều nghe. Hàng đệ tử căn cơ ám độn khi nghe giáo pháp ấy thì “thông” vào Tạng Giáo; bậc căn trí sáng láng, nghe giáo pháp ấy rồi thì được “thông” vào Biệt Giáo và Viên Giáo, nên gọi là Thông Giáo.
- Biệt Giáo, tức là Đức Phật nói phép cho hàng Bồ tát, khác với Tạng Giáo, Thông Giáo kể trên và Viên Giáo sau này, nên gọi là Biệt Giáo.
- Viên Giáo, Đức Phật đối với các bậc Bồ tát có căn trí thông tuệ mà nói ra pháp cao siêu, mầu nhiệm, dạy đủ Viên, Đốn, cho nên gọi là Viên Giáo.
(Trong 4 Giáo trên, TẠNG, THÔNG, BIỆT là 3 giáo thuộc về Quyền Giáo, VIÊN giáo thuộc về Thật Giáo).
4. Thời kỳ Bát Nhã (Prajnãparamita)(22 năm), tức thời kỳ Đức Phật nói các kinh Bát Nhã để mở mang kiến, văn, giải, cho hàng Tiểu căn, có tâm hướng thượng; nhưng hãy còn có chỗ cố chấp, chưa dứt bỏ hết được, nên Phật nói pháp “Bát Nhã Không Tuệ” để phá chấp, giúp cho họ thông đạt lý CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU của các “Pháp”. (Đấy chẳng qua là “giả tướng”, chứ thực ra không có cái gì là thật thể hiện hữu trên cõi đời này). Nhờ đó mà hàng Tiểu căn sớm đạt được giải thoát.
5. Thời kỳ Pháp Hoa (Saddharmapundarikam)(8 năm) và Niết Bàn (Nirvàna)(1ngày và 1đêm) , tức thời kỳ Đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh Niết Bàn cho mọi căn cơ, mọi lớp người (từ thượng căn, bậc căn trí thông tuệ, đến trung căn, bậc căn trí trung bình và hạ căn, bậc căn trí thấp kém), tất cả đều được nghe và hiểu, tùy mỗi căn tính chúng sinh; cũng gọi là “Hội Tam Qui Nhất” cho đến khi đã thuần thục, nên Đức Phật trực chỉ nghĩa Khai, Quyền, Hiển, Thực, tức là chỉ thẳng Thật Tánh, Thật Tướng của các “pháp”; không ngoài mục đích: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến” cho chúng sinh đều được chứng đạo quả “Vô Thượng Bồ Đề = Anuttara Samyak Sambodhi”. Ngoài ra, cũng có những căn cơ vì quá thấp kém thì Phật giảng kinh Niết Bàn để độ tận chúng sinh cùng vào bể “Đại Hải Thanh Tịnh”, chứng đạo quả Giác ngộ và Giải thoát.